Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Gò ông Đống


Ngày nhỏ, mỗi lần ở quê có đám giỗ,  bà  thường dậy sớm và đi trước. Sáng sớm bà đi bộ hơn mười cây số để về quê. Mỗi lần thế, nó cũng cố nài nỉ theo ngoại đi bằng được. Nó không thích ngồi sau xe đạp của mẹ, nó thích lẽo đẽo, rong ruổi chạy theo chân bà.

Bà kể chuyện cây hoa, ngọn cỏ bên đường, bà kể chuyện ông lão khua còng còng dưới nước, chuyện nhìn trời để đoán mưa hay nắng..., nhưng thú vị nhất với nó hay làm nó để tâm nhất là chuyện gò ông Đống.



Người ta cũng không biết ông từ đâu đến, khi trời tờ mờ sáng, người ta thấy một ông lão ăn xin nằm lả bên đường, không có đồ đạc gì ngoài một chiếc túi màu gụ, vải đã sờn và bộ quần áo rách. Họ nói chắc ông đi suốt đêm, đến đó  ông đói lả và lịm dần...

Dân làng đưa ông ra chôn ngoài cánh đồng. Nơi đêm trước ông nằm, bên vệ đường, mỗi người đặt vai nắm gạo, vài quả, vài nắm hương. Rồi từ đó, ngày rằm, mùng một hay ngày lễ , ai nhớ đến và đi ngang qua đó, họ lại đặt lên một thứ gì, để cảm giác ông được ấm lòng. Khi vài đồng bạc lẻ, khi nắm đất, khi  hòn đá. Cứ thế, cứ thế, rồi ven đường người ta thấy, từ một ụ đất đá, dần dần nó to sù sụ. Người ta đặt tên Gò ông Đống.

                                         

Bất kể lần nào đi theo bà, đến khúc ấy bà cũng dặn nó nhặt những viên đá hay hòn đất để đặt lên gò. Sau đó bà luôn nói thay nó, “cháu chúc ông có đất xây nhà, ông không bị mưa gió nữa”...rồi hai bà cháu lại rảo bước đi. Nhưng sau mỗi lần, trong nó lại gợn lên những tình thương kỳ lạ, nó lại hỏi bà lan man nhiều chuyện, rằng khi ấy ông cụ thế nào, ông nằm làm sao, người nhà ông đâu, ông lạnh lắm sao bà...nó tưởng tượng ra những cảnh ấy và cứ thấy hẫng hụt, dù khi ấy nó cũng còn bé xíu.


Trẻ con thì nhanh quên, mới đó mà một lúc sau nó đã lại líu lo, lại tung tẩy, lúc chạy trước, lúc chạy sau chân bà. Và nó thường thích đi theo bà đến đám giỗ, đôi khi chỉ để đi qua đó, đặt lên gò nắm đất, bông hoa. 
Có lần mẹ chuẩn bị cho nó cái khăn quàng cổ để hai bà cháu đi sớm khỏi lạnh. Bà cứ quàng khăn cho nó, nó lại không chịu. Một xíu quay lại, bà đã thấy nó khệ nệ bê túi gì đó. Nó thì bé tí teo, ôm theo cái bọc quấn bằng khăn mà lúc sớm mẹ chuẩn bị. Trong chỉ có vài viên đá con con  và một viên gạch. Bà hỏi nó “Con mang theo làm gì”. Nó trả lời. "Con mang ra gò ông Đống, vì ngoài đó con toàn nhặt được viên đất bé tí..." 





Có một điều, nó biết, cho đến tận giờ, mỗi lần qua lại khúc đường đó, cái cảm giác khi xưa mỗi lần qua gò ông Đống vẫn còn trong nó. Bây giờ, người ta đã kè lại bờ sông, gò ông Đống giờ đã san phẳng, con đường xưa nó đi giờ đã là tuyến quốc lộ rộng và đẹp, chạy men theo dòng sông đổ về cửa bể. Nơi vạt đường ấy, mùa này, có loại cỏ nở trắng, những bông hoa trắng li ti, phủ đầy...



Có khi nào những kỷ niệm, những cảm nhận xa xưa ấy đã nuôi trong nó điều gì đó..., để nhiều khi nó thấy mềm lòng đến lạ!...

2 nhận xét:

  1. Bạn ơi,

    Mình nghe quen quen. Gò ông Đống nằm cụ thể ở đâu nhỉ?

    Cám ơn

    Trả lờiXóa
  2. Gò Ông Đống nằm ở ven sông, ở khúc đường từ Yên Định ra phía Thịnh Long. Đi qua cầu Vô Lý một đoạn ạ!.

    Trả lờiXóa