Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Tôi trong Tôi trong Tôi...


Khi ta đồng lòng
(1998)



Thế là cả đêm dài, mình không ngủ, không học. Kiên nhẫn ngồi nhả từng hạt, từng hạt bé xíu bửa từ lòng đỏ của quả trứng gà luộc. Quả trứng ấy mẹ luộc để dành cho mình  khi ôn bài, trước kỳ thi đại học sắp tới.

Cái dây loằng ngoằng, di động chậm rạc trên bậu cửa, cứ du di từng chút, từng chút một. Đàn kiến chăm chỉ, chúng tha theo những mẩu trứng bé xíu xiu suốt hành trình về tổ. Chăm chỉ và cần mẫn...

--------------*_*_*--------------

Cảm tính
(2006)

Ngày mới ra trường, mình và bạn nhận làm căn hộ đó, trong tốp thợ đến làm, mình luôn để ý một cụ già. Mình có thắc mắc sao những việc nặng nhọc này lại để cụ làm. Bạn nói, vì cụ khó khăn mà cần việc...

Mình thường hay chạy đến công trình vào gần giờ trưa mỗi ngày, cũng gần lúc mọi người nghỉ  trưa. Bạn cứ hỏi rằng ai bắt mình phải khổ... khi thấy mình cứ sấn sổ vào xúc vữa, quẹt đồ hay nhặt rác (dù cho đến lớn mình chưa từng làm những việc này)...bởi mình muốn làm đỡ cho cụ. (Mình gọi là cụ là so với cái bề ngoài, chứ khi ấy cụ mới 60 tuổi, nhưng dáng hình gày gò và xanh xao như người hơn 70 tuổi)

Cụ làm xa nhà 6 năm, bà ốm bệnh nằm ở nhà cũng ngần ấy năm. Ở nhà còn có 1 đứa cháu sắp tuổi đi học, bố mất, mẹ bỏ qua Trung Quốc không về...6 năm cụ đi làm, dành tiền gửi về nhà.

Bữa trưa, khi tốp thợ  nghỉ ăn trưa, mình cụ ngồi đó, thay vì đóng tiền ăn cho nhóm, cụ chỉ ăn khoai. Ngày đầu mình cũng mua đồ đến ngồi với cụ và cứ nói mình thích ăn khoai để đổi bữa trưa cho cụ. Sau mình gửi tiền ăn cho cụ nhưng thấy cụ bữa ăn, bữa không. Mãi mình mới biết, chị nấu ăn đã bớt xén, lại hay nhặt nhạnh sắt thép vẫn còn sử dụng để bán...Mình buồn.

Đúng thực, ngoài việc làm gia sư khi còn đi học, mình chưa từng tiếp xúc và làm việc bên ngoài như thế này. Bạn cứ trách mình sống cảm tính thế thì khổ, vì chẳng ai thương mình...

Mình lăn tăn mãi vì  thương cụ, đến già ốm rồi mà cứ vật vã, tiền, bệnh, còn vắt tay lên trán... 6 năm trời ông cụ không về nhà kể cả tết, mình cứ thấy xót xa và cô độc...

Công việc đầu tay của mình sau vài tháng cũng xong. Và khoản tiền đầu tiên ấy, mình chuẩn bị sách vở cho cháu bé và quà cho cụ trước lúc cụ về ...


--------------*_*_*--------------

Em đã ở trong tôi
(2007)

Em bước đi cơn mưa chiều dội ướt
Dáng Tre nghiêng phủ bóng những con đò
Thân Em nhỏ bươn dài trong chiều gió
Bước Em đi, đất níu chặt chẳng rời.

Em phải đi! bước lặng giữa khoảng đời
Giọt đắng dài theo em nơi cùng tận
Thì thôi em, cớ trách đời bạc phận.
Thân em gầy ….cỏ rũ buốt bàn chân…
Nơi em đến !
Chữ “Đời “ đó! sóng cuồng phong, giận dữ
Nuốt vào em, cuốn mãi tuổi thơ em
Chín  tuổi đời, bươn mình vào cuộc sống
Nghiêng ngả giữa đời…sự sống…mưu sinh….
!...
Ừ em đi. Đi nhé!...em đi
Niềm tin sáng... Và sẽ là cuộc sống!
!...
Em cứ đi nơi sáng tận tâm hồn
Để thăng hoa với cõi thần giản dị.
Giọt đời ấy ngọt theo ngừời nghệ sĩ
Nốt thanh trầm rót nhẹ bóng thời gian.
Và Em nhé !...
Cứ thả hồn bay mãi với cung đàn
Giọt trong ngần không đo năm tháng tuổi
Bước đường đời em mãi còn rong ruổi
Cớ chạnh lòng… cát bụi lại về đâu….
!...
Ừ vậy nhé! Cứ bước đi em nhé
Gắng lên em để không hổ tiếng  “Đời”
Hồn em sáng là cả vùng đời sáng.
Không thước nào đo nổi em ơi !


Con đường chị đi về…Bắt gặp ánh mắt em hân hoan, rạo rực, sáng ngần…hướng lên sân khấu ngoài trời. Thân em gầy, em đứng quằn lưng chống xe hàng to,nặng hơn cả người em. Những ngón tay nhỏ của em bám chặt vào thùng hàng mà vẫn cố nhịp theo tiếng hát…Tâm hồn em đang bay, chị thấy tâm hồn em đang hát…Chị đến gần bên em. Chị nhìn em. Em nhìn sân khấu…Tự nhiên chị muốn khóc. Em bé nhỏ!...
-----------------***-----------------------
Những chiều hoang hoải
(200..)
...

Hút mắt, ngàn mây
(200..)

...
Ngỡ & thật
(201..)
...

Những điều giản dị
(2012)
...

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Bạn mới


Cạnh công trường là thảm cỏ xanh mượt. Chắc bạn ấy từ ngoài đó vào thăm mình....
Làm mình phân tâm cả buổi...vì cứ phải liếc bạn í.

(Xinh)



(Bảnh chọe)


Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

CHÈ ĐỖ THẢ SƯƠNG







Đã sang tháng tám âm lịch, thấy sương giăng giăng từ chập tối. Đến sáng vẫn sương ấy mờ mờ... 
Trời đêm hơi lạnh và ẩm. Chuyển mùa đâm ra khó ngủ. Chơi vơi trong đêm, nhìn bóng đèn đường đỏ quạch nhòa nhòa trong sương. 
Ngày còn bé, chả mấy khi để ý đến sương thu. Nhưng mong có sương để được ăn món chè đỗ đen thả sương mẹ nấu... 

Tháng tám trời vẫn nắng. “Tháng tám nắng rám quả bòng”. Đi học về, con vục cái gáo dừa vào chum nước mưa, uống một hơi cho đã khát. Đã cơn khát, vội chạy vào nhà bưng bát cơm khoai ăn ngấu nghiến, mồ hôi chảy ròng ròng. Mẹ bảo số thằng này vất vả, đến ăn uống còn đổ mồ hôi! 
Qua một ngày tất tả đi bộ mấy cây số đến trường, về nhà hùng hục thực hiện nghĩa vụ vớt bèo nấu cám lợn, tối lo hoàn thành các bài tập... Rồi cũng xong... thở phào. Ngủ một giấc cho tới sáng mà chẳng hề mộng mị. Tỉnh giấc bắt đầu một ngày với cái quy trình không thay đổi. Chẳng biết mùa thu, chẳng biết sương thu... 

Chỉ đến một buổi sáng, khi tỉnh giấc mẹ bảo đi rửa mặt rồi mấy anh em ăn chè còn đi học. Nhìn ngoài sân thấy có cái rổ úp. 
Ra lật cái rổ, một nồi chè đỗ đen. Mấy anh em cùng reo lên, tranh nhau bê vào. Anh cả được cái vinh dự ấy. Chỉ mươi bước chân mà rón rén. Lũ em căng thẳng nhìn theo, sợ thằng anh đánh đổ nồi chè. Mẹ múc chia đều cho mấy anh em mỗi đứa một bát con. 
Nhận phần mình từ tay mẹ, mấy anh em giăng hàng trên hè đất ngồi ăn chè. 
Thìa đầu tiên đưa lên môi cảm nhận vị ngọt thanh. Chao ôi, ngọt từ đầu lưỡi đến cổ họng. Muốn giữ mãi vị ngọt trong khoang miệng cho bõ thèm. Hàng mấy tháng mới được ăn chè, mới được thưởng thức vị ngọt, mới tìm lại được cái vị đậm đà tưởng đã quên. 
Nhận được vị ngọt từ đầu lưỡi rồi mới nhìn vào bát chè đỗ đen. Lưng bát nước nâu huyền sóng sánh, hình như vị ngọt có được là nhờ cái màu nước nâu huyền ấy. Húp thêm vài thìa, nghiêng bát một tý thấy những hạt đỗ đen- không nhiều lắm. Những hạt đỗ ninh nhừ như những quả cật lợn tý hon đã bung lớp vỏ, khúc giữa có những vệt nhỏ xíu như vết khắc của người thợ kim hoàn khéo léo cắt lên ngang thân. Những hạt đỗ đen bùi tan trong miệng. 
Ngọt bùi và mát... 
Cái cảm giác mát ấy như thoang thoảng mùi tinh dầu chuối nhưng nhẹ hơn, êm ái hơn. Mát hơi lạnh lạnh. Chỉ hơi lạnh một tý thôi cũng đủ cho vị ngọt của nước trở nên thanh hơn, vị bùi của đỗ như ngậy hơn, hạt đỗ cũng như nhừ tơi trong miệng. Miếng chè trôi xuống thực quản nhưng cảm giác mát vẫn giữ được vị ngọt bùi của chè trên đầu lưỡi và cả trong miệng. 
Cảm giác man mát ấy chầm chậm lan tỏa trong người, hình như có thể biết nó đang từ từ trôi dần, trôi dần đến từng xăng ty mét, tưởng như nguồn nước mát tưới dần vào trong cơ thể. Sảng khoái đến nao lòng. 
Cái mát thanh ấy là bởi sương thu. 
Trong đêm, lúc tôi học bài xong thì mẹ vẫn lụi hụi dưới bếp. Bây giờ mới hình dung lúc ấy mẹ vo đỗ đen rồi đổ nước vào nấu chè. Khi nồi chè sôi một lúc, mẹ vùi vào tro nóng. Lúc ấy bọn tôi đã đi ngủ. Mẹ ngồi bệt, đầu gục xuống vòng tay trên đầu gối, nhẫn nại chờ trong bóng đêm yên ả. Chờ khoảng một tiếng đồng hồ. Ướm chừng đậu nhừ, mẹ bắc ra đun sôi lại và thêm vào lưng bát nước lạnh. Mẹ bảo chè đang sôi khi đổ nước lạnh vào thì hạt đậu sẽ nhừ hơn. Và mẹ cho đường cát khuấy đều. Lúc ấy chỉ là đường cát nấu chế biến thủ công từ mía chứ làm gì có đường kính. Để cho vị ngọt thêm đằm, mẹ búng vào nồi chè vài hạt muối... 
Nửa đêm sương thu xuống đầy. Mẹ đưa nồi chè ra sân, mở vung, rồi úp lại bằng cái rổ... Những hạt sương li ti mang cái lạnh, cái trong trẻo của đất trời và mang cả hương cau, hương chuối trong vườn... từng hạt, từng hạt lọt qua kẽ rổ ướp hương cho nồi chè mẹ nấu. Để sáng mai này chúng con có bát chè thơm ngậm những hạt sương thu. 
Để rồi con có thói quen đợi sương thu mỗi khi tháng Tám.
Bây giờ thì khác rồi. Đỗ đen cho vào nồi áp suất. Đun mười năm phút là nhừ tơi. Cho đường kính, thêm vài giọt tinh dầu chuối, lấy nước đá tủ lạnh thả vào. Vậy là có chè đỗ đen. Cũng ngọt, cũng thơm và lạnh. 
Nhưng mùi tinh dầu thơm xộc thẳng lên mũi vừa thô thiển vừa dị hợm. Vị ngọt sắc của đường kính thiếu đi cái thanh thanh nhẹ nhàng. Hạt đỗ nhừ tơi nhưng hình như kém đi cái vị bùi, không còn độ ngậy... 
Và tôi sợ cái lạnh của nước đá trong bát chè. Nó làm hàm răng tôi tê buốt. Cái tê buốt lan tới tận đỉnh đầu. 
Lại nhớ về ngày xưa, bưng bát chè đỗ thả sương từ tay mẹ nấu. 
Ngoài kia, sương xuống dày. Ngọn đèn đường đỏ quạch nhòa hẳn trong sương lạnh. 
Trên bàn thờ, tấm hình mẹ lãng đãng khói hương... 



(Tản văn - Papa MTN )

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Bóng Đá

8 trận đấu
4 trận đúng tỉ số, không sai tẹo nào
3 trận thắng, sai tỉ số
1 trận thua

Giải thưởng :chi phí đi du lịch HN- Đà Nẵng 3 ngày (cặp đôi)

Các nàng (bạn của mình) nỉ non, rồi ép mình tham gia chơi bằng được.

Sau 3 trận đầu trúng fóc, các nàng ép mình chỉ được nhắn tỉ số vào giờ chót, trước khi trận bắt đầu

Sau vài trận nữa, các nàng quyết định ủn mình ra khỏi tổ, vì mỗi tội chơi thế này thì thà đưa vé trước cho mình ...Hic....
Giờ bị ủn ra, ngồi đoán tỉ số vu vơ...không trong hội đoàn nào...Chán tiệt!....

 
(Từ xưa đến giờ mình không biết gì về bóng đá. Hồi bé tí teo, hình như năm 90 gì đó, ngày nào cũng hẹn bố gọi dậy xem bóng đá. Thực ra mình chỉ thích nghe bài hát Mùa Hè Italia, nhớ mãi hình ảnh đàn chim bồ câu...Nửa đêm bố gọi dây, nghe xong bài hát và ăn xong tô cháo là mình gật gật ngay tức thì...

Đến tận giờ mới xem lại. Ngày nào cũng cố xem hết hiệp 1 của trận 1. Mình không có khái niệm đội nào giỏi hơn đội nào, toàn đoán linh tinh thế mà trúng fóc. Phục mình thật...)

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Tỏi

(Hôm nay hâm hâm, mình lôi ảnh chụp ngoài Lý Sơn ra coi và viết linh tinh...)
 

..............
Giải pháp dọa ma của tụi trẻ con trong xóm thường là Tỏi. Nướng tỏi, cầm củ tỏi khi đi đường hay nhét dưới gối để ngủ. Kèm theo những buổi tối rồng rắn nối đuôi nhau, miệng hát Tỏi. Tỏi . Tỏi...


Ấy là ngày mình còn nhỏ, còn luẩn quẩn loanh quanh mỗi sớm, mỗi tối, mỗi đêm ở cái xóm nhỏ xinh xinh. Hình như trẻ con ...đứa nào cũng sợ ma., dù chẳng biết con ma nó thế nào (nên đương nhiên lũ trẻ biết đến ma là do hóng hớt từ người lớn...)

Rồi những đứa trẻ lớn lại truyền lại cho những đứa trẻ con. Cập nhật dân số đông, sợ ma cũng phân nhiều nên ngay ở xóm nhỏ của mình và mấy vùng lân cận lâu lâu mình lại thấy, nhà nhà lập đàn cúng, cúng ma. Rồi cầu nguyện bình an, cầu nhiều thứ (nhưng không biết có cầu điều xấu cho người mình ghét nữa không í...). Và rồi trong tất cả đồ thờ cúng, người ta kiêng tỏi, dường như những gì liên quan đến thế giới thứ 3(gọi theo cách mọi nguoi hay gọi) thì kiêng hẳn và tách rời cái món tỏi, mùi tỏi, tên tỏi...

Mình cũng chả biết công dụng của tỏi trong chuyện này, nhưng ngày bé mình cũng sợ ma và đương nhiên mình cũng hay lưu giữ củ tỏi, cũng nhón trộm củ tỏi của mẹ, để trong cặp sách...Bây giờ nhà lúc nào cũng đầy tỏi, nhưng dùng làm gia vị (hẳn nhiên trong củ tỏi cũng có những tinh chất hay là kháng sinh tốt – cái này sách nào cũng nói thế).

Hôm trước lang thang ra huyện đảo Lý Sơn, nơi đầu sóng ngọn gió. Cả một vùng toàn tỏi. Người ta ổn định cuộc sống cũng nhờ tỏi. Tỏi sát vách nhà, tỏi khắp cánh đồng...Những lăng, mộ cũng nằm lẫn giữa tỏi, tỏi ,tỏi. Mộ chôn ngay trước cửa nhà, bên hông nhà. Tỏi trồng tràn vào sân nhà... Nhà, tỏi, mộ cứ xoắn xít, như một quần thể không thể tách rời.

Cứ ở mãi cái phố xá... nhiều khi đến ngớ ngẩn. Đi đâu cũng bụi, cũng bê tông, cũng tiền, cũng đèn hoa lòe loẹt đến nhức mắt, rồi con người cũng không thật nổi với mình...đôi khi lắc lắc cái đầu nhìn lại. A ha, mình đi qua nó thật giỏi...


Đến Lý Sơn, tự nhiên thấy bình yên kỳ lạ, con người ngoài ấy dân dã, đằm thắm, hiền hòa đến thế, họ thương, quí nhau và giúp đỡ nhau một cách nguyên sơ, không khách khí, không khiên cưỡng...Để giải nghĩa cho điều này, chắc hẳn ai ai cũng đưa ra nhiều lý do vô cùng. Do họ ít người, do họ không tiếp cận ... Cứ theo logic  một cách  ngớ ngẩn sẽ thấy, nhiều khi ngoài đây trồng nhiều tỏi, tỏi đuổi ma...nên đuổi hết được mấy con ma ích kỷ của cả người sống lẫn người chết cũng nên..và --> họ mới yêu nhau đến thế, càng khẳng định cái quan niệm tỏi kia càng chuẩn xác. ...Vậy, Có lẽ nào...???...


(Ps.Mình chỉ thích mọi người yêu nhau. Nếu là cấp trên, có lẽ sẽ có chỉ thị ...toàn dân trồng tỏi... Có lẽ nào?...Hức...Mà cũng thảo nào, đi hết nửa cuộc đời  mình vẫn chẳng giữ nổi cái chức gì...

Mà cũng may...giữ chức gì thì quả là mất tự do... Đi đâu cũng bị chụp hình ném lên báo lá cải thì chít. Dù thỉnh thoảng mình cũng thích chụp hình lắm lắm!...)