Lâu không gặp, cậu cứ hỏi tớ về chị. Câu trả lời lửng lơ, “chị vẫn thế!”.Mà cái vẫn thế ấy làm tớ và cậu cứ mủm mỉm cười.

Ngày còn ở nhà, cậu cứ tòng teng tớ đến trường trên cái xe mi-pha gầy nhẳng, ngồi trên xe cứ lúc la, lúc lắc. Thế mà cậu cứ phóng ào ào, chẳng thua bất cứ đứa con trai nào, dù tớ ngồi phía sau cũng không nhỏ hơn cậu là mấy.

Mỗi khi cậu ào vào gọi tớ đi học, chị lại giục cuống lên. Em C nhanh lên, bạn đến rồi kìa. Hoặc “Bờm ơi, bạn đến rồi kìa!”. Còn chị nói với cậu “ Bờm ơi, em đợi C tí nhé”. Rồi chị lại cười xuề xòa, hiền khô. Năm ấy, chị đi học xa nhà, mỗi lần chị về mà gặp hai đứa, câu cửa miệng của chị lúc nào cũng là “Ôi, hai con chó con đang làm gì đấy!”.  Lúc đầu mới nghe cậu cứ cười khanh khách, rồi hai đứa cũng quen và thích chị gọi thế.

Chị cứ hiền hòa như thế, chăm chỉ thu vén việc nhà giúp bố mẹ. Cũng không hiểu sao, lúc nào chị cũng coi tớ như đứa trẻ, chị không cho động vào việc gì, chị không cho cắm điện, không cho cầm dao, không cho giặp đồ...để chị, để chị và để chị. (thành xa mãi lớn mình chẳng phải làm gì). Và những lúc bố mẹ đi làm, tớ có lỡ chơi mà mệt hay ốm, sốt. Chị chẳng thể bình tĩnh, lại nước mắt ngắn, nước mắt dài. Hình như đó là yếu điểm và cũng là ưu điểm nhất của chị. Thương yêu mọi người và mau nước mắt. Khi ấy tớ cứ nói với cậu “Ôi, chị hay khóc nhè lắm!.”

Rồi tớ đi học xa nhà, lúc ấy thì chị về lại nhà công tác. Rồi chị lập gia đình. Ngày chị cưới, tớ khóc rưng rức, thấy mất mát sao đó. Mọi người cười nói, khách khứa chật nhà, còn tớ rúc vào góc buồng tối ỏm, úp mặt vào chăn bông, nước mắt lã chã.

Những ngày tớ đi học, chị gọi điện mỗi ngày, dặn dò ăn uống, đi lại cẩn thận. Chị nhớ!...

Rồi chị sinh cháu, anh thì đi công tác xa nhà, hai tuần mới được về một lần. Chị ở nhà, ngày ngày đến trường và chăm sóc cháu cùng gia đình. Có những đêm khuya, tớ hơ hải nghe điện thoại của chị. Chị khóc, mếu, mãi mới nói được cháu sốt, ốm. Tớ cười xuề xòa trấn an chị, hỏi han rồi lao vào ôm cái máy tính nói chuyện với anh google về trẻ ốm sốt, đau bụng, khóc nhè...đến tận sáng. Rồi anh gọi điện nhờ tớ nói chuyện với chị để chị bình tĩnh, nghe giọng anh cũng lo lắng và nghèn nghẹn. Thế rồi khi chị lo lắng, khi  chị buồn, khi chị vui...tớ đều bên chị, nhiều khi chỉ qua giọng nói. Khi cháu ốm mệt, bất đắc dĩ, suốt thời gian dài tớ như bác sĩ của trẻ.

Thời gian cháu lớn hơn, bắt đầu đi học. Không còn những cuộc gọi hối hả buổi đêm đầy lo lắng về sốt, đau... Thì nhiều khi đang say giấc nồng, điện thoại reng reng. “Chó con, em ngủ chưa? Giải bài này cho cháu và nhắc cháu nghỉ sớm hộ chị” Có khi 12h, 1h giờ sáng cháu vẫn còn chăng đèn học, miệt mài với những đề toán nâng cao và vượt cấp, bố mẹ thuyết phục đi ngủ mà không chịu, với quyết tâm con không giải xong con chưa ngủ.

Và bao nhiêu năm ấy, ... chị vẫn gọi tớ cùng cậu bằng cái tên quen thuộc, “Bờm” và “Chó con”. Dạo chúng mình không liên lạc nhiều năm dài, chị cũng nhắc cậu suốt “Không biết Bờm dạo này thế nào rồi?”. Vẫn những nét  thân thương óng ánh trong mỗi câu nói của chị. Suốt bao năm dài.

Và ngay cả khi tớ đưa anh xã về thăm nhà. Lần đầu tiên ấy, thấy chị đã đứng chờ bên cửa, nét cười lành hiền vốn dĩ. Chị hỏi hai đứa có mệt không? chị kể chuyện này kia, rồi mấy anh chị em nói cười râm ran.  Rồi đến lần hai, lần ba. Chỉ mới bước chân vào ngõ đã nghe tiếng chị, reo như trẻ con “ A, hai chó con đã về rồi”...Tớ cười, anh xã hơi bất ngờ và cũng mủm mỉm cười. Và rồi cũng quen và thích chị gọi thế.

Lâu lắm mới gặp lại cậu, thấy cậu vẫn năng động và trẻ như thế. Vẫn là bờm mà khi xưa chị gọi. Cậu nói nhất định sẽ gặp chị và ghé chị chơi mới được. Chắc hẳn khi nhìn thấy cậu, chị lại ầm ào và cười tươi rói “ Ôi, chó con!”...Tớ chợt thấy thế và mủm mỉm cười.

Như thể ngày nay, biết tớ chuẩn bị về. Điện thoại tớ và anh xã cứ rung ầm ầm từ sáng. Và câu gần đây nhất “Chó con, tụi em thích ăn gì để chị đi chợ!”...

Mình đã đến tuổi đằm, bước vào độ đằm thắm hơn của một đời người. Thế mà, với chị vẫn chỉ là những “chó con” ...Yêu đến lạ kỳ!.

Sắp đến sinh nhật chị rồi nhỉ! Tự nhiên nhớ và ghi lại...